Junior Designer, đừng ngại nói ra quan điểm dù chỉ mới vào nghề

Dù đang ở trong phòng họp cùng với đồng nghiệp, trưởng nhóm, quản lý hay thậm chí là giám đốc, bạn không nên có tâm lý e ngại khi cất lên tiếng nói của bản thân.

Phần lớn thời gian trong tuần của tôi dành cho các buổi họp hành, đánh giá thiết kế và những cuộc bàn luận phát sinh. Tất cả đã xảy ra khi tôi còn là một nhân viên và mọi chuyện ngày càng đúng sau khi tôi chuyển qua vị trí trưởng nhóm một vài năm trước rồi sau đó được đề bạt lên giám đốc của studio vào đầu năm 2017. Tôi phải dành ra một ngày thứ tư trong tuần để tập trung hoàn thành những công việc đang dở dang và cố gắng thật nhiều để sử dụng khoảng thời gian không có họp hành ấy đúng như dự kiến.

Tuy nhiên tôi cũng trân trọng giá trị của buổi họp, miễn là tất cả được bàn luận hiệu quả kịp thời và tập trung. Đó là cơ hội để trình bày ý tưởng, lắng nghe nhận xét, góp ý và tổng hợp ý tưởng từ mọi người cũng như gây được sức ảnh hưởng trong cuộc thảo luận. Khi ngồi chung phòng với các đồng nghiệp tài năng, bạn sẽ cảm thấy bản thân bị chìm ngập trong muôn vàn ý tưởng. Chúng có thể mâu thuẫn với nhau, và một vài ý kiến sẽ trái chiều với bạn. Trừ khi bạn nói ra và điều chỉnh ý kiến cá nhân sao cho hợp lý với những người khác, việc trao đổi các ý tưởng có thể làm tiếng nói của bạn trở nên lu mờ và thậm chí ảnh hưởng đến việc đang làm.

Điều này quả thật không hay tí nào, nhưng sẽ có một vài người lắng nghe khi bạn còn là một tay thiết kế còn non trẻ trong một số cuộc họp. Do đó, bạn cần phải cố gắng thật nhiều để truyền tải được ý tưởng. Tuy nhiên, dù đang ở trong phòng cùng với đồng nghiệp, trưởng nhóm, quản lý hoặc giám đốc, bạn không nên có tâm lý e ngại khi cất lên tiếng nói của bản thân. Tôi đã suy nghĩ về khoảng thời gian khi còn là một nhà thiết kế non trẻ và tích cóp được một vài nguyên tắc làm việc hữu hiệu cho bản thân.

Bài viết bởi Sungjoon Steve Won – Trưởng phòng thiết kế sản phẩm và phát triển sáng tạo tại NAVER – trên trang uxdesign.cc

Nhưng tại sao ?

Khi còn là một tay thiết kế mới vào nghề, bạn sẽ có thể chỉ tập trung hoàn thành công việc được giao bởi quản lý. Chuyện này không có gì là sai cả, và những chuyện ấy đã có thể chiếm hết lượng thời gian của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể làm nhiều chuyện xa hơn nữa.

Những điều rút ra khi bàn luận về thiết kế, họp hành hàng tuần để thống nhất ý kiến và lường trước mọi chuyện sẽ cho ra danh sách các công việc và nhiệm vụ, một trong số chúng sẽ được quản lý giao cho bạn. Khi nói ra, bạn sẽ có thể quản lý các kết quả phát sinh từ cuộc họp và tăng cường cơ hội nắm bắt các công việc được giao với góc nhìn riêng của bản thân. Chuyện này nghe có vẻ hay ho hơn nhiều so với khi bạn phải làm những việc không liên quan hoặc không thuộc đam mê và sở thích của bản thân.

Lý do thứ hai chính là sự phát triển. Năng lực tác động đến người khác bằng ý tưởng sẽ trở nên quan trọng khi bạn thăng tiến vị trí cao hơn với vai trò của một nhà thiết kế cao cấp, sau này là trưởng nhóm hoặc quản lý. Không bao giờ là quá trễ để bắt đầu hành động cả.

Đừng do dự !

Nguồn: Giphy

Việc đầu tiên là bạn phải thể hiện ý tưởng ra ngoài mà không phải chần chừ, dù cho nó có phù hợp với kết quả cuối cùng hay không. Bạn có thể chia sẻ ý kiến dù ý kiến đó khác với quan điểm của người khác và mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu chỉ ra được làm thế nào để ý tưởng của bạn có thể đóng góp điều mới mẻ vào quá trình chung. Điều tuyệt vời khi làm việc nhóm chính là chúng ta có thể nhìn nhận một thứ từ nhiều góc nhìn khác nhau và thông suốt mọi chuyện trước khi đưa ra quyết định. Mỗi góc nhìn đều đóng một vai trò quan trọng nhất định.

Tôi cảm thấy cực kì hữu ích khi :

Ý tưởng của bạn trùng khớp với những người khác

Ý tưởng của bạn lại khác so với những người khác

Ý tưởng của bạn mâu thuẫn với quản lý

Bạn chỉ quá e ngại để nói ra

Trường hợp #1: Khi ý tưởng của bạn trùng khớp với người khác

Thật dễ dàng khi giữ ý tưởng cho riêng mình và ngồi nghe những người khác bàn luận chuyện của họ. Thậm chí nếu không làm như vậy, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường vì đâu có điều gì vượt ra ngoài dự kiến.

Do đó, hãy nói và chia sẻ ý kiến, thể hiện sự đồng thuận với ý kiến mà bạn cảm thấy liên quan. Đây là cơ hội để người khác nhận ra rằng bạn có chính kiến và góc nhìn của bạn là quan trọng.

Trường hợp #2: Khi ý tưởng của bạn khác với người khác

Việc bạn có quan điểm khác với người khác sẽ có 2 hoặc 3 lý do. Đôi khi ý tưởng của bạn tệ hơn. Trong trường hợp như thế, người khác có thể có cùng ý nghĩ nhưng lại quyết định không nói ra vì lý do ấy. Mặc khác, ý tưởng của bạn tốt nhưng những người khác không thể bắt kịp. Bạn cần phải đánh giá khách quan với ý kiến của mình hết sức có thể để có quyền nói rằng mọi người đang không hiểu vì ý tưởng của họ quá tệ. Do đó, làm thế nào để có thể lên tiếng và quyết định nên chia sẻ quan điểm nào?

Điều khiến bạn do dự để nói ra ý kiến có thể là tâm lí sợ phê bình hoặc có thể bị gạt bỏ.

Nếu bạn e ngại rằng ý kiến của mình sẽ bị đem ra chỉ trích, hãy nhắc nhở bản thân là mọi người trong cùng một dự án có chung một hướng đi và mong muốn đạt được kết quả tốt nhất. Nếu người khác thật sự đưa ra bình luận, hãy nhớ rằng đó không phải là công kích cá nhân hoặc cố ý. Những đóng góp mang tính xây dựng là nhân tố cần thiết để thúc đẩy một ý tưởng đến tiềm lực cao nhất vốn có. Hãy chấp nhận và chào đón những lời phê bình, xem chúng như là một nguồn hỗ trợ trau chuốt ý tưởng và phép thử vô hại. Một phương pháp rủi ro hơn là áp dụng ý tưởng ngay vào thực tế khi bạn có thể chia sẻ với chuyên gia hoặc nhà phê bình thiết kế nội bộ.

Việc cảm thấy tồi tệ khi ý tưởng của bạn bị bác bỏ là chuyện bình thường. Tuy nhiên bạn phải biết là một chút chối từ không nên là lý do khiến bạn im lặng. Có thể một quan điểm tương đồng với bạn chưa được trình bày không phải vì mọi người bất đồng với nó mà chỉ là họ chưa nghĩ đến mà thôi. Trong trường hợp đó, bạn đã đóng góp một giá trị độc đáo khi chia sẻ ý tưởng dù cho nó có thành công hay không. Điều này là đúng trong nhiều trường hợp. Nếu ý tưởng bị bác bỏ với lý do chính đáng thì còn đỡ hơn cảm giác nghi ngờ và hối hận khi bạn không nói ra.

Trường hợp #3: Khi ý tưởng của bạn mâu thuẫn với góc nhìn của quản lý

Mọi người trong dự án đều tỏ ra thích thú với thiết kế của bạn nhưng quản lý hoặc trưởng dự án thì lại không. Thay vì ậm ờ cho qua hoặc bỏ qua ý tưởng ấy thì bạn có thể làm gì?

Những thảo luận mang tính xây dựng với quản lý là một điều tốt. Bạn cũng không muốn tranh luận và thể hiện sự ngoan cố của mình hoặc cho thấy rằng mình đã dành quá nhiều thời gian cho nhiều thứ không đóng góp được gì cho dự án phải không. Vậy thì,

Hãy lùi lại một bước để hiểu được vấn đề mà quản lý đang tập trung bàn luận. Đừng nhìn nhận nó với góc nhìn giải pháp mà từ quan điểm của một vấn đề và giá trị. Nếu bạn gặp khó khăn khi xác định vấn đề, hãy nhờ trợ giúp từ quản lý. Việc thắc mắc hay hỏi nhiều là chuyện bình thường.

Định hình ý tưởng và trình bày với quản lý, tập trung nhấn mạnh những điểm mà nó có thể giúp giải quyết vấn đề hiệu quả ở trường hợp #1. Nếu bạn có khả năng đưa ra lợi tức đầu tư khả quan khi ứng dụng ý tưởng ấy, đừng ngần ngại nói ra nhé.

Nếu ý tưởng ấy vẫn không được đón nhận, hãy tập chấp nhận và yêu cầu họ đưa nhận xét. Mục đích là để xem liệu bạn nên bổ sung thêm điều gì, xác định yếu tố chuẩn mực và loại bỏ thứ không khớp. Hãy xem chúng như một cơ hội để làm tốt hơn sau này.

Trường hợp #4: Khi bạn quá e ngại để chia sẻ

Hãy đặt mục tiêu rằng bạn phải chia sẻ một điều gì đó trong mỗi cuộc họp. Dù nó lớn hay nhỏ, ít nhất bạn cần nói một thứ trước khi bước ra khỏi phòng họp. Khi trong lòng bạn rạo rực như lửa đốt, đó là dấu hiệu bản thân muốn chia sẻ thứ gì đó với người khác. Đừng suy nghĩ quá nhiều, cứ mạnh dạn nói ra những gì xuất hiện trong đầu.

Nguồn: Giphy

Nếu bạn quá e ngại để nói ra bằng lời, hãy vẽ ra ý tưởng và để nó ở nơi mà mọi người có thể nhìn thấy. Mọi người sẽ bàn luận về nó và bạn có thể tự động tham gia trò chuyện và giải thích quá trình lên ý tưởng ấy.

Bất kể ở trình độ nào, điều quan trọng là bạn cần phải lên tiếng chia sẻ khi có một quan điểm và hướng nhìn nhận một vấn đề, thiết kế hoặc chủ đề. Bạn đã có thể tác động đến cuộc trò chuyện bằng cách cất lên tiếng nói của mình. Việc có một ý kiến khác là chuyện bình thường, nhưng thật không hay khi lại giữ im lặng. Tôi hi vọng rằng những điều hữu hiệu với bản thân có thể giúp ích cho người khác. Nếu bạn có cách làm khác của riêng mình, tôi rất sẵn lòng học hỏi.

 

Tác giả: Sungjoon Steve Won

Nguồn dịch : idesign.vn

Nguồn: UX Planet

 


-----------------***---------------
Hướng dẫn cách tải về (dowload): http://khodohoa.vn/hot-trend/huong-dan-cach-tai-ve-tai-nguyen-tren-web.html
-----------------***---------------

Previous picture Next picture Close gallery