VFX không chỉ là hậu kỳ: Hành trình giúp ‘First Man’ đoạt Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất Oscar 2019

Màn hình LED, dựng bối cảnh thực tế, dùng mô hình thu nhỏ, khôi phục các cảnh phim cũ được lưu trữ cùng rất nhiều hiệu ứng ẩn khác chỉ là một ít trong số nhiều kỹ thuật VFX được dùng để kể câu chuyện Neil Armstrong (Ryan Gosling) đáp lên Mặt Trăng năm 1969 trong bộ phim “First Man” của đạo diễn Damien Chazelle.

 

Các phương pháp làm hiệu ứng ‘kinh điển’ này cộng với nhiều phương pháp mới được theo dõi bởi giám sát hiệu ứng hình ảnh Paul Lambert đến từ DNEG, giám sát hiệu ứng đặc biệt J.D. Schwalm và giám sát hiệu ứng mô hình thu nhỏ Ian Hunter. Họ đã biến công việc làm VFX không chỉ là một công việc hậu kỳ khi từ chối lạm dụng phông xanh cũng như tỉ mỉ phối hợp lên kế hoạch sản xuất để tạo nên các hiệu ứng theo cách ‘trực tiếp’ nhất có thể.

 

Cùng khám phá xem họ đã làm những điều này như thế nào nha!

 

Một cảnh về buổi thử nghiệm gần như thất bại trong “First Man”

Diễn viên diễn xuất trực tiếp trên màn hình LED

Trong “First Man” có những cảnh các phi hành gia bị đóng chặt trên buồng lái, máy quay được cẩn thận gắn lên người họ hoặc gắn theo góc nhìn trực tiếp của họ, cũng như các vị trí cố định cạnh thân tàu. Để đạt được góc máy đặc biệt này, các nhà làm phim đã tìm cách để thu được ánh sáng thực tế từ nền trời hoặc không gian. Họ sẽ đưa các diễn viên vào không gian ánh sáng đó để quay càng nhiều càng tốt. Và giải pháp là các đoạn phim dựng sẵn của DNEG sẽ được phát trên một màn hình LED khổng lồ 18,3 x 10,7m bọc 180 độ bao quanh hành động được quay.

 

X-15 giả lập được quay trước màn hình LED

Cảnh cuối trong phân đoạn X-15

“Trong cảnh quay X-15, khi bạn thấy Neil háo hức xuyên qua bầu khí quyển và lần đầu tiên nhìn thấy đường chân trời, sự phản chiếu trên mũ cũng như mắt anh là phản chiếu thật từ màn hình LED. Xuất thân từ mảng Compositing*, với tôi nó vẫn rất khó để bắt được sự phức tạp của hình ảnh phản chiếu trong một đôi mắt và khiến nó trông như thật. Nhưng vì chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian ở giai đoạn quay thực tế, nên chúng tôi dễ dàng làm được nó.” – Paul Lambert, Giám sát hiệu ứng hình ảnh, DNEG

 

*VFX Compositing: Là việc kết hợp các yếu tố hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau thành một. Có nhiều công đoạn trong Compositing như tách phông xanh, xóa bỏ vật thể lạ hay thêm vật thể 3D không có thật vào video.

 

Đoạn phim nguồn chuẩn bị sẵn dài 90 phút xuất hiện thông qua vòm kính che buồng lái và ô cửa sổ trong tàu. Cảnh đầu tiên nó xuất hiện trong phim là khi Armstrong thực hiện chuyến bay lên trên bầu khí quyển trong chiếc máy bay NASA X-15.

 

“Chúng tôi đã quyết định làm theo cách đặc biệt này vì không muốn sử dụng đồ họa máy tính suốt nguyên bộ phim,” Lambert nói. Ông cũng là người lưu ý rằng phải có sự tương xứng giữa các loại phim 16mm, 35mm và IMAX trong các cảnh quay thực hiện bởi nhà quay phim Linus Sandgren. “Ý tưởng cho việc làm nền bằng đoạn phim nguồn đã được chuẩn bị và xuất ra sẵn, sau đó quay bằng máy quay – điều này ngay lập tức cho bạn độ xước cũng như độ nhiễu phù hợp của phim.”

 

Những cách khác nhau mà màn hình LED được sử dụng

Đối với cảnh có diễn viên bên trong buồng kén, tàu vũ trụ hoặc X-15, từng phần nhỏ của bối cảnh được đỡ trên những chiếc glimbal 6 trục do Schwalm và nhóm của ông sáng chế ra. Với thời lượng đoạn phim nguồn rất dài, cảnh có thể được quay với các cú máy dài (một số kéo dài đến hơn 10,000 khung hình). Ban đầu chỉ có phía trước và bên hông của màn hình LED được chiếu, nhưng Lambert sớm nhận ra hình ảnh 360 độ sẽ tối ưu hơn.

 

Chân thật với những thước phim lưu trữ

Trong lịch sử khám phá vũ trụ, NASA đã góp nhặt được một lượng phim lưu trữ khổng lồ về các hành trình chinh phục không gian và phóng tàu. Vì vậy, một cách rất tự nhiên, các nhà làm phim “First Man” đã tận dụng những đoạn phim ấy. Ước muốn của Chazelle là những cảnh không gian trong phim cũng tương thích với những gì mọi người từng biết trong các đoạn phim lịch sử.

 

Bản quét gốc của Sao Thổ V trong đoạn phim lưu trữ

Phiên bản bổ sung hiệu ứng hình ảnh của DNEG

“Anh ấy không mấy hứng thú với việc tạo ra những cú máy điên rồ quay quanh chiếc tên lửa,” Lambert nói. “Anh muốn mọi thứ dựa trên những gì mọi người từng thấy. Nhưng sau đó, càng có nhiều đoạn phim gốc, tôi nhận ra mình chỉ có thể sử dụng hiệu quả một số đoạn mà thôi.“

 

Cuối cùng, DNEG đã từng bước một thay các đoạn phim lưu trữ bằng phiên bản có bổ sung hiệu ứng hình ảnh của chính chúng.

 

Bản gốc bằng máy quay kỹ thuật

Bản được thêm hiệu ứng

Một ví dụ của quá trình này là cảnh quay rộng của tên lửa Sao Thổ V với hai luồng khói lớn tỏa ra từ hai bên. Đoạn phim gốc 70mm từ buổi phóng Apollo đã được DNEG làm sạch và thêm vào nhiều luồng khói hơn. Lambert gọi đó là việc tăng thêm ‘tính điện ảnh’ cho phim. Quy trình làm sạch phim gốc thật ra lại khiến nó trông quá mới, vì vậy nó tiếp tục được làm giảm chất lượng xuống để hợp với những cảnh xung quanh.

 

Làm mô hình thu nhỏ

Yếu tố làm mô hình thu nhỏ xuất hiện để mô tả một vài công cụ không gian quan trọng, phù hợp với bộ phim theo một phương pháp đã được quyết định trước đó.

 

Một cảnh quay bổ sung mô hình tên lửa Sao Thổ V

“Nếu có những cảnh bạn thấy một phần của vật thể, chúng tôi sử dụng mô hình phiên bản đúng kích thước hoặc kích thước 80%. Nếu đó là cảnh trung, chúng tôi dùng phiên bản tỉ lệ 1/6 của Ian Hunter. Nếu đó là cảnh rộng thì dùng CG vẫn ổn. Ian cũng đã làm một chiếc Sao Thổ V tỉ lệ 1/30 để dùng cho một vài cảnh quay, và con quái vật đó cao khoảng 4,3m.” – Paul Lambert, Giám sát hiệu ứng hình ảnh, DNEG

 

Nhóm của Hunter đã làm thủ công Sao thổ V từ ống nhựa PVC, màu acrylic, máy in 3D và cắt laser. Các mô hình thu nhỏ khác, bao gồm module chỉ huy và module khám phá Mặt Trăng được dựng ở tỉ lệ 1/6 với máy in 3D và các nguyên liệu được nặn tay. Mẫu của vật thể được quay trong một phòng chụp ở Atlanta, đôi khi các mô hình được thêm yếu tố CG, hoặc ánh sáng tương tác với nó.

 

“Toàn bộ trường quay được phủ đen,” Hunter mô tả chi tiết. “Chúng tôi có một máy vận chuyển ba trục cũng được che đen toàn bộ gắn vào mỗi mẫu. Chỉ có duy nhất một nguồn sáng chính đại diện cho mặt trời, được đặt thật xa cuối phòng chụp để cho ra những chiếc bóng thô. Và không hề dùng đến phông xanh.”

 

Module khám phá Mặt Trăng

Module khám phá Mặt Trăng được kết hợp với bề mặt Mặt Trăng

Dù phòng chụp tối đen là cách thực hiện chính để quay các mô hình, nhưng màn hình LED dùng để làm nền khi diễn viên diễn xuất cũng được dùng để thêm ánh sáng tương tác. “Chúng tôi có một máy chiếu trong phòng chụp,” Hunter nói, “Chúng tôi chiếu hình ảnh Trái Đất lên bề mặt module chỉ huy, thế nên khi nó xoay vào vị trí khóa với module Mặt Trăng, bạn có thể thấy hình ảnh phản chiếu của Trái Đất di chuyển trên nó. Rất mơ hồ, nhưng bạn cảm nhận được kết cấu đó, sự chân thật đó có thể đã thiếu nếu chúng tôi chỉ quay đơn giản trên phông xanh.”

 

“Các mô hình thu nhỏ trong bộ phim này,” Hunter nói thêm, “cần rất nhiều sự đắn đo suy tính trước và phải kết hợp với đường dây sản xuất để thực hiện. Tôi nghĩ đó là một điều đáng tuyên dương của đội ngũ sản xuất khi chấp nhận thực hiện những điều táo bạo này. Họ không buông trôi tác phẩm vào những chiếc phông xanh để rồi hy vọng mọi thứ hiệu quả mà thật sự tính toán trước để kết hợp mọi thứ với nhau.”

 

Các cảnh quay trên Mặt Trăng

Phông xanh cũng là thứ nên tránh khi quay cảnh đáp trên Mặt Trăng. Ở đây, những bước đi trên Mặt Trăng của Armstrong và Buzz Aldrin thật sự đã được quay IMAX trên một mỏ đá ở ngoài Atlanta, nơi đất đá được tô điểm thêm lớp sỏi đặc biệt để trông giống bề mặt Mặt Trăng. Một module khám phá Mặt Trăng cũng được dựng kích thước đầy đủ. Công việc ban đầu của DNEG với cảnh quay này liên quan đến việc dùng nguồn ảnh lưu trữ chính xác về Mặt Trăng để tái hiện các miệng núi lửa, bề mặt và để dọn sạch phần nền của mỏ đá.

 

Hình ảnh phản chiếu của máy quay trên chiếc mũ không gian

Kết quả sau khi đã ‘dọn sạch’ chiếc mũ

Một công việc khác là giải quyết phản chiếu trên chiếc mũ không gian. “Mỗi cảnh quay có phi hành gia đều có phản chiếu máy quay trong đó,” Lambert nói, “Máy quay IMAX chắc chắn là khổng lồ rồi, bạn cũng thấy cả đoàn phim trong đó với lều và mấy thứ khác. Vì vậy một phần của công việc làm hiệu ứng thị giác là tái tạo những cảnh quay bằng kỹ thuật số, sau đó xóa những chiếc máy quay, đoàn làm phim và dấu vết họ để lại trên sỏi . Thêm vào đó, đây là IMAX, thế nên khi bạn xem một lại những thước phim 8K này lần nữa, bạn vẫn có thể thấy những dấu chân trên đó!”

 

Để tạo cảm giác trọng lực chỉ còn 1/6, mỗi lần có một bước chân hoặc bước nhảy, DNEG thêm bụi CG vào những bước chân. Các phi hành gia được gắn vào một hệ thống bungee điều chỉnh bởi người điều phối hành động James M. Churchman để tạo thêm cảm giác phi trọng lực, hệ thống này cũng được xóa đi trong cảnh quay. Thêm vào đó, Sandgren đã thuê một bóng đèn 200K siêu sáng để ‘đóng vai’ Mặt Trời, giúp tạo ra một cái bóng gay gắt và khác biệt. Với vài cảnh khác, chỉ có hai bóng đèn 100K được sử dụng, đem lại một cách đổ bóng khác, và các nghệ sĩ VFX sẽ thực hiện những sự thêm thắt thích hợp vào đó.

 

Bản gốc một cảnh quay Armstrong đứng trước miện núi lửa

Kết quả

“Một điều đã xảy ra đó là ở Atlanta thật sự lạnh, môi tôi rất khô, ” Lambert nói. “Tôi nghĩ trời rất lạnh cho đến khi tự nhìn mình trong gương và má tôi ửng hồng. Tôi bị cháy nắng bởi mấy cái đèn chết tiệt đó! Nó thật sự sáng đến mức làm tôi bị cháy. Đó chính xác là thứ tôi muốn đề cập đến khi kể về chuyện quay phim sao cho thực tế…”

 

Kết hợp các giải pháp thực tiễn

Thật vậy, giải pháp thực tiễn khi đang quay là một phần lớn của “First Man”. Để hỗ trợ cho các khớp chuyển động được gắn bởi Schwalm, nhóm của anh cũng phải chuyển đến máy huấn luyện đa trục (Multi-Axis Trainer) mà các phi hành gia sử dụng trên mặt đất và trên cỗ máy huấn luyện đáp Mặt Trăng (Lunar Landing Training Vehicle – LLTV). “Họ thật sự đã xây dựng một bản sao kích thước thật của LLTV,” Lambert giải thích. “Nó được treo trên một cái cần cẩu điều khiển bằng máy. Ý tưởng là những cần cẩu này sẽ giúp lật LLTV, chúng tôi quay từ một chiếc trực thăng bay vòng tròn quanh nó, và một chiếc xe hơi gắn máy quay cũng chạy vòng quanh trên mặt đất theo hình tròn.”

 

Cảnh quay Armstrong lái và phá vụn chiếc LLTV

“Khi thấy đoạn phim,” Lambert nói thêm, “Nó thật sự cho bạn ấn tượng rằng bạn cảm nhận được chuyển động tịnh tiến của chiếc LLTV trong khi thực tế là nó vẫn ở chỗ cũ. Các hiệu ứng thêm vào chúng tôi phải làm bao gồm xóa dây cáp dùng để treo chiếc LLTV, thêm những luồng khói của bộ ổn định, còn các cảnh quay rộng được làm hoàn toàn bằng CGI.”

 

VFX – Tiếng nói của cả quá trình

Một cách tự nhiên, đôi khi những sự cân nhắc về hiệu ứng hình ảnh sẽ được nghĩ ra sau khi các cảnh quay thật được quay xong. Nhưng theo Lambert, “First Man” không như vậy. Thời gian dùng để lên kế hoạch các cảnh quay, dựng mô hình thu nhỏ, chuẩn bị các đoạn phim để chiếu trên màn hình LED,… mang ý nghĩa rằng các cân nhắc VFX đều được tính toán trước. Và đặc biệt là những thứ liên quan đến đoạn phim chiếu màn hình LED, các nhà làm phim đã phải trực tiếp ứng biến trên cảnh quay chứ không phải tưởng tượng mọi thứ trên phông xanh.

 

Các phi hành gia bước vào tên lửa chuẩn bị phóng.

Bản gốc này cho thấy cách mà cảnh được quay từ một tòa nhà cao tầng với một phần bối cảnh

Kết quả

“Hiệu ứng hình ảnh chiếm rất nhiều trong quá trình làm phim,” Lambert khẳng định. “Nó cần sự phối hợp trong đó. Tôi thật sự đã đóng góp ý tưởng cho phần chuyển động và có thể chỉnh sửa nội dung đó ngay trên trường quay. Chúng tôi bỗng nhiên trở nên liên quan rất nhiều đến bộ phim hơn là chỉ làm hiệu ứng hình ảnh thông thường, Bạn phải đưa lời khuyên cho nhiều phần, bạn phải nắm bắt thông tin nhiều nhất có thể và biết được mình phải làm gì sau đó. Đúng vậy, chúng tôi cũng phải làm hàng trăm cảnh quay ở giai đoạn hậu kỳ, nhưng chúng tôi cũng liên quan đến từng phần một trong từng ngày quay.”

 

Nguồn dịch : idesign.vn

Nguồn: vfxvoice

 


-----------------***---------------
Hướng dẫn cách tải về (dowload): http://khodohoa.vn/hot-trend/huong-dan-cach-tai-ve-tai-nguyen-tren-web.html
-----------------***---------------

Previous picture Next picture Close gallery