ANH VỪA BẢO ANH LÀM GAME DESIGNER ?

Một câu chuyện quen thuộc khi tôi gặp một người bình thường, cũng chơi game và có biết một chút ít về game, và tôi giới thiệu với họ tôi là Game Designer thường sẽ diễn ra gần giống thế này:

Nguồn: Level Up – The Guide to Great Video Game Design (2010) by Scott Rogers

Người ta: À, tức là ông làm code game đúng không?

Tôi: Không, tôi thiết-kế game.

Người ta: Tức là gì? Kiểu vẽ game, vẽ nhân vật hay đồ họa các loại ý hả?

Tôi: Không, tôi không vẽ. Cái đó là việc của họa sĩ.

Người ta *nhíu mày*: Ủa tóm lại ông không code, cũng không vẽ, thế thì ông làm gì? Thiết kế kiểu mấy cái banner với poster ấy hả?

Tôi *thở dài*: Cũng không phải … nhưng ừ đại loại thế.

Thế rồi sau đó họ sẽ chuyển sang tiết mục thắc mắc tại sao tôi lại học code chứ không học vẽ hay 3D Modeling, rồi lại đến những cái định kiến (vốn đã sai) kiểu như ờ, trông ông cũng gọn gàng sạch sẽ chứ không luộm thuộm như hội coder. Đúng là dân Design. Rồi thì đủ những kiểu vặn vẹo khác của những người hiểu biết thì ít nhưng hỏi thì rõ lắm.

Thôi, vậy thì đây. Câu trả lời ngắn là: Đạo Diễn có ảnh hưởng và tầm quan trọng gì đối với một ê-kíp làm phim, thì Game Designer cũng có ảnh hưởng và tầm quan trọng tương đương đối với một đội ngũ làm game. Chỉ có vậy thôi.

Đồng thời ở đây tôi cũng phải nhắc luôn là xin đừng vội đi đến kết luận rằng Game Designer hay kể cả Đạo Diễn lúc nào cũng sẽ là người có tiếng nói lớn nhất trong một dự án game hay phim. Cho nên đừng nghĩ làm Game Designer hay làm Đạo Diễn tức là làm sếp.

GAME DESIGN LÀ GÌ?

Game Design có nghĩa là vận dụng các quy tắc và thẩm mỹ thiết kế nghệ thuật vào công việc làm game cho mục đích giải trí, giáo dục, thể thao, hay các mục đích mang tính thử nghiệm khác. Ngày nay, các yếu tố cũng như các nguyên lý của Game Design đã được áp dụng vào các ngành nghề hay các loại hình mang tính tương tác khác như thực tế ảo hay xu hướng game hóa (gamification) đã trở nên khá thịnh hành từ một vài năm trở lại đây.

Trên một quan điểm cụ thể, thì Game Design nói đến những quy luật hay bộ quy luật nhằm quản lý phương thức tiếp cận một game của người chơi, đồng thời điều khiển trải nghiệm của họ. Game Design quản trị cách mà các nguyên tố khác nhau của một game tương tác với nhau để tạo nên một “dàn giao hưởng của vạn vật” trong một game. Và những yếu tố thông thường ở trong game bao gồm: Môi Trường, Ý Nghĩa, Âm Thanh và Âm Nhạc, Đồ Họa, Câu Chuyện, Cơ Chế, và Đối Tượng.

Trên một quan điểm tổng quát, thì Game Design nói đến ý tưởng đằng sau một game. Tuy vậy, những ý tưởng game nhìn chung không có mấy giá trị, và gần như ai cũng có những ý tưởng của riêng mình. Tôi có và bạn cũng có. Điều khác biệt duy nhất nằm ở việc một người Game Designer có trình độ sẽ có khả năng tinh chỉnh, biến đổi những ý tưởng thô sơ đó trở thành một hệ thống nằm khép kín trong tương tác giữa máy tính và người dùng (ở đây chỉ xin nhắc đến video game,) hay nói cách khác là không cần đến sự điều khiển và điều hướng tiến độ của con người (Game Master).

Công việc của Game Designer

Phụ thuộc vào độ lớn của dự án cũng như độ lớn của đội ngũ phát triển game mà một Game Designer có thể phụ trách một hay nhiều những công việc sau đây.

Level Designer

Level Designer là người chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng các màn chơi (level) trong một game.

Ví dụ, trong quá trình chơi một game nhập vai (RPG), bạn tình cờ phát hiện được một góc khuất kỳ lạ trên màn chơi. Bạn chui vào, rồi phát hiện ra một rương kho báu. Bên trong là một vật phẩm vô cùng hữu ích mà bạn vẫn đi tìm.

Ys III: Wanderers from Ys (1989)

Hay một ví dụ khác, trong một game đấu trường bắn súng như Overwatch của Blizzard. Nhân vật của bạn là một xạ thủ, và điều tối quan trọng đối với một xạ thủ đó là phải có được vị trí quan sát ở trên cao có thể bao quát được sân đấu bên dưới để có thể tận dụng khả năng bắn tỉa, đồng thời cũng làm giảm đi rủi ro khi phải giao đấu ở tầm gần. Bạn quan sát đấu trường và nhận ra một số vị trí có thể giúp bạn bắn dây móc để kéo bạn lên tới nóc nhà cao nhất của đấu trường.

Overwatch (2016)

Tất cả những sự quan sát, những trải nghiệm hay thậm chí là cả cách thức bạn đưa ra kết luận về phương hướng hành động tiếp theo của bạn dựa trên sự xếp đặt của màn chơi, đều nằm trong sự tính toán của Level Designer. Trách nhiệm của Level Designer không chỉ là xây dựng những màn chơi sao cho đẹp mắt, mà chức năng cũng như cái cách chúng điều hướng tương tác của người chơi là những công việc mà một Level Designer phải đảm nhận.

System Designer

Sơ đồ hệ thống hóa một game cơ bản

Game là một hệ thống khép kín, nhưng đồng thời cũng là một mạng lưới tập hợp các hệ thống con nhỏ hơn tương tác liên đới với nhau. Và mỗi System Designer có trách nhiệm thiết kế, tinh chỉnh, và cân bằng để tạo ra một trải nghiệm sâu sắc và thú vị nhất khi người chơi tương tác với những hệ thống đó, và giúp tạo mối liên kết chặt chẽ và hài hòa giữa các hệ thống với nhau.

Các yếu tố mà một System Designer thường phải quan tâm

Ví dụ như trong một game như Dark Souls, thì người System Designer của hệ thống chiến đấu trong đó sẽ phải tinh chỉnh các thông số như chỉ số nhân vật, chỉ số trang bị, các thông số collision trong chiến đấu. Hay như trong một game như Final Fantasy XIII, với hệ thống crafting, thì người System Designer phụ trách hệ thống đó phải xác định và cân bằng các điểm nâng cấp thu được từ việc quy đổi các loại component mà người chơi nhặt được trong cả quá trình chơi.

UI Designer

Cái này thì có lẽ rất nhiều người đã biết rồi, nhưng dù sao thì tôi cũng vẫn sẽ phải nói qua, bởi thiết kế UI cho game cũng khác thiết kế UI cho phần mềm hay Website.

Làm ơn đừng bao giờ thiết kế UI cho game thế này

UI Designer phụ trách thiết kế giao diện người dùng (user interface) để đảm bảo game và người chơi tương tác với nhau một cách dễ dàng và hiệu quả nhất.

UI luôn là một yếu tố sống còn đối với bất cứ thứ gì có liên quan trực tiếp tới người dùng, như ở đây là người chơi. UI không nhất thiết lúc nào cũng phải hiện ra tất cả thông tin lên màn hình của người chơi (như trong ví dụ của World of Warcraft), nhưng UI cần phải hiểu được suy nghĩ của người chơi trong từng tình huống cụ thể. Rằng họ cần được biết những thông tin gì, vào thời điểm nào, mức độ quan trọng của thông tin đó là ở đâu, và mức độ trực quan của UI là bao nhiêu.

Trong ví dụ của Street Fighter IV, thanh máu của nhân vật sẽ chuyển dần từ màu xanh thành màu đỏ, và sẽ bắt đầu nhấp nháy ở mức 10%. Điều này là bởi màu đỏ là màu dành riêng cho việc cảnh báo (là màu có bước sóng cao nhất), và nhấp nháy để ra hiệu với người chơi, người lúc này đang tập trung cao độ vào tình hình chiến đấu ở giữa màn hình, rằng lượng máu của họ đang ở mức thấp và có thể họ cần phải xem xét chiến thuật tiếp theo của họ. Đó là sự tinh tế của UI Design.

Street Fighter IV (2008)

Khác

Ngoài ra còn các vị trí part-time hoặc không thường xuyên đóng vai trò quyết định bằng các vị trí trên như:

  • Content Designer/Writer: với chuyên môn là viết lách, Content Designer là người chịu trách nhiệm viết nội dung cho game: cốt truyện, lời thoại, truyền thuyết, xây dựng thế giới, etc.  
  • Scripter: Thiết kế các công cụ để phục cho việc sản xuất nội dung trong game, rồi gửi bản thiết kế cho đội ngũ code để phát triển chúng.  
  • Lead Designer: đôi khi còn được gọi là Creative Director. Là người tổng phụ trách toàn bộ tổ designer, nói một cách khác là Project Manager của đội ngũ này. Có trách nhiệm quản lý, đảm bảo tầm nhìn chung của toàn bộ dự án được nhất quán, đồng thời là người đứng ra trao đổi với các team code, art và producer.

Học gì để trở thành một Game Designer ?  

Câu trả lời ngắn: TẤT CẢ.

Câu trả lời dài: Game Design là nghệ thuật xây dựng trải nghiệm, và điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ phải tận dụng tất cả mọi thứ mà bạn có để làm được điều đó. Đối với một Dame Designer, thì không có kiến thức nào là thừa. Tất nhiên, không phải ai cũng có thời gian để học được tất cả mọi thứ trước khi bắt tay vào làm game. Vì thế cho nên bạn có thể bắt đầu bằng một vài kỹ năng sau.

Lập trình

Đây là kỹ năng quan trọng nhất. Bạn không cần phải giỏi như John Carmack (Doom) hay Casey Muratori (Quake). Bạn không cần phải hiểu rõ cách sử dụng Quaternion* để xoay vật thể 3D ra sao, hay giải thuật giả lập hiệu ứng 3D từ texture 2D thế nào, nhưng bạn hãy biết code đủ để có thể tự mình làm các loại prototype để thử nghiệm concept bằng các công cụ hỗ trợ làm game đơn giản.

*Quaternion là một thuật ngữ được khởi nguồn từ lý thuyết toán học, được ứng dụng trong các phép quay không gian. Trong Unity, Quaternion được sử dụng để biểu diễn phép quay của mọi đối tượng.

Doom (1993)

Bản thân tôi không phải dân code, nhưng tôi là người luôn ủng hộ Game Designer phải biết code. Code càng giỏi càng tốt. Bởi, điều cốt lõi với một game luôn luôn là khả năng tương tác. Và thứ duy nhất để tạo ra khả năng tương tác đó là không gì khác ngoài code. Như Jonathan Blow đã nói, nếu như ông không biết code, thì rất có lẽ những tựa game Braid và The Witness của ông đã không bao giờ được ra đời.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách học một ngôn ngữ như C#, một ngôn ngữ khá phổ biến được sử dụng trong engine Unity. GML cũng khá đơn giản và rất giống với C# nếu như bạn đang sử dụng Game Maker Studio. Tutorial trên Internet bây giờ đã có rất nhiều, vì thế nếu bạn muốn làm một Game Designer, hãy tự dạy cho mình biết lập trình. Đừng chỉ ngồi một chỗ và làm “idea guy”.

Đồ họa

Bạn không cần phải vẽ đẹp thần sầu như Hyung Tae Kim, cũng không cần phải biết làm animation đẹp và tràn đầy năng lượng như Mariel Cartwright. Nhưng hãy ít nhất là biết vẽ tay và hiểu khá rõ về lý thuyết màu sắc (color theory) để dễ dàng hơn trong việc trao đổi ý tưởng và concept với đội ngũ art. Đối với những game mang đậm màu sắc visual ví dụ như Journey hay Inside, thì sự hiểu biết về đồ họa và thẩm mỹ của người Game Designer là yếu tố sống còn.

Inside (2016)

Giao tiếp

Đây là kỹ năng quan trọng để một Dame Designer có thể truyền tải được những ý tưởng hay những concept của mình với các team code, team art, team audio, và quan trọng nhất là với producer, người sẽ quyết định xem có nên đầu tư cho dự án này của bạn hay không. Đồng thời, bởi mỗi team khác nhau lại có một cách nhìn nhận, một cách giải quyết vấn đề khác nhau (code và art là hai ngành vô cùng đối lập) nên trách nhiệm của Game Designer là phải làm sao dung hòa được những con người như vậy để đạt được mục tiêu của dự án.

Khác  

 

Chơi game như một Game Designer: bởi Game Design là một ngành chuyên biệt, nên đừng nghĩ rằng chỉ bởi vì bạn đã chơi rất nhiều thể loại game khác nhau, hay chơi rất nhiều game cùng một thể loại, có nghĩa rằng bạn đã có đủ trình độ để trở thành một Game Designer. Game Designer không dành thời gian chơi game chỉ để tận hưởng nó, mà họ còn phải dành thời gian để phân tích một cách cụ thể từng cây đinh chiếc ốc của game đó. Phân tích cách các hệ thống trong một game tương tác với nhau ra sao, rồi thì tại sao lại sử dụng chức năng đó ở đây, hay thậm chí rất nhiều khi bạn sẽ phải nghĩ tại sao một chiếc hộp gỗ tưởng chừng rất đơn giản được đặt ở góc phòng như thế lại được coi là một sự tinh tế phi thường của Game Design.  

Viết kỹ thuật (Technical Writing): Bạn cần nhớ đây là viết kỹ thuật, chứ không phải viết sáng tạo (Creative Writing). Là một Game Designer, thứ sẽ luôn đi cùng với bạn là Game Design Document, ở đó bạn liệt kê và mô tả một cách chi tiết tất cả mọi thứ liên quan đến các hệ thống, các chức năng và các điều kiện của game để các thành viên thuộc các team khác như code hay art có thể hiểu rõ được thứ mà dự án cần là gì. Hãy biết viết một cách chi tiết nhưng hết sức rõ ràng, và quan trọng nhất là ngắn gọn hết sức có thể.  

Khả năng đọc hiểu và phân tích logic cao: Game là một hệ thống, và điều đó có nghĩa là nó phải được dựa trên logic, và cũng có nghĩa là bạn, với tư cách là người làm ra nó, cũng phải hiểu rất rõ được cách thức nó hoạt động tổng quát là như thế nào.  

Tâm lý học cơ bản: Game Design là tạo ra những trải nghiệm, và vì thế bạn cần phải biết một chút về tâm lý học hành vi để hiểu được lý do vì sao người chơi hành động theo một cách nhất định, và từ đó điều chỉnh thiết kế của mình.

Hiểu rõ hệ máy mình đang phát triển game cho là gì: Mỗi hệ máy lại có những đặc tính và những giới hạn khác nhau. Bạn cần hiểu rõ những điều đó để thiết kế game theo cách tương ứng.  

Kiến thức về toán khá vững: Bạn sẽ cần kỹ năng này khi bạn phải giải quyết những vấn đề về cân bằng chỉ số trong game.

Lời kết

Không mong rằng sau bài viết này sẽ có một ai đó đọc được và quyết tâm trở thành một Game Designer. Nhưng ít nhất, tôi cũng hy vọng rằng đây là một bài giới thiệu đủ tốt để bạn có thể hiểu được công việc của một Game Designer cũng như những kỹ năng mà họ cần có cho vị trí này. Trên thực tế, theo kinh nghiệm của tôi, thì kể cả khi bạn không có ý định tham gia vào ngành phát triển game, nhưng bạn lại muốn đào sâu tìm hiểu và viết về chúng, thì kiến thức về Game Design là vô-cùng-quan-trọng để bạn có thể phân tích được game một cách sâu sắc và có ý nghĩa.

– Tác giả: Hùng Vũ, Game Designer


-----------------***---------------
Hướng dẫn cách tải về (dowload): http://khodohoa.vn/hot-trend/huong-dan-cach-tai-ve-tai-nguyen-tren-web.html
-----------------***---------------

Previous picture Next picture Close gallery